Trong đó, xu hướng nhích tăng vẫn được ghi nhận phổ biến với mức từ 0,1-0,6%/năm tùy từng kỳ hạn. Giới chuyên gia dự báo xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ vẫn còn diễn ra trong thời gian tới, phần nào gia tăng áp lực lên tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) điều chỉnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tăng 0,8%/năm lên thành 5,6%/năm, kỳ hạn 7 đến 11 tháng tăng 1,4%/năm lên 5,8%/năm và kỳ hạn 12 tháng chạm mốc 6%/năm sau khi tăng 0,4%/năm.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng 0,2%/năm lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 3,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng lên 3,9%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất huy động tăng nhẹ 0,1%/năm ở kỳ hạn 6 và 9 tháng lên 4,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 4,9%/năm, và kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3%/năm lên 5,3%/năm.
Tại nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) mới đây vừa tăng nhẹ lãi suất tiền gửi trực tuyến ở một số kỳ hạn thêm 0,2-0,3%/năm. Hiện lãi suất gửi tiền trực tuyến tại ngân hàng này ở mức 2%/năm đối với kỳ hạn 1-2 tháng; 2,3%/năm với kỳ hạn 3-5 tháng; 3,3%/năm với kỳ hạn từ 6-11 tháng; 5%/năm đối với kỳ hạn từ 24-36 tháng. Riêng lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 12-18 tháng được VietinBank giữ nguyên ở mức 4,7%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục tăng. Ảnh minh họa.
Còn đối với lãi suất tiết kiệm gửi tại quầy, cả VietinBank và 3 ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại vẫn giữ nguyên biểu lãi suất trước đó. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) huy động tiền gửi kỳ hạn 6 và 9 tháng với lãi suất là 2,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 4,6%/năm và kỳ hạn 24 tháng trở lên là 4,7%/năm. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) duy trì lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng ở mức 3%/năm, kỳ hạn 12 và 24 tháng trở lên là 4,7%/năm. Còn tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng ở mức 3%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm và kỳ hạn 24 tháng là 4,8%/năm.
Dù xu hướng tăng lãi suất diễn ra phổ biến trong thời gian qua nhưng ở chiều ngược lại, vẫn có ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ. Theo đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa giảm 0,1%/năm lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng giảm xuống còn 4,2%/năm và kỳ hạn 9-11 tháng còn 4,3%/năm. Đây là lần thứ 2 liên tiếp VIB điều chỉnh giảm lãi suất huy động chỉ trong vòng 1 tuần. Trước đó, ngân hàng này đã giảm lãi suất từ 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi các kỳ hạn 6-36 tháng vào ngày 26/6.
Theo quan sát của phóng viên, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất đối với kỳ hạn 12 tháng đang được niêm yết tại một số ngân hàng như: ABBank ở mức 6%/năm, Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) 5,75%/năm, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cùng mức 5,6%/năm. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có lãi suất thấp nhất kỳ hạn này, ở mức 3,7%.
Lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn 6 tháng là 5,6%/năm thuộc về ngân hàng ABBank; 5,25%/năm tại NCB; 5,15%/năm tại Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank). Trong khi đó, mức lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này là 2,9% của Vietcombank và SCB.
Đối với các khoản tiền gửi đặc biệt, một số ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi cao nhất trên 6%/năm. Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) có mức lãi suất cao nhất là 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) áp dụng mức lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) có lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với điều kiện đi kèm, Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) có lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng trở lên với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên...
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động sẽ không còn dư địa để giảm tiếp dưới áp lực của tỷ giá và lạm phát. Áp lực lạm phát sẽ gia tăng từ quý III/2024 do giá lương thực, giá điện, giá nhà và điều chỉnh tiền lương. Áp lực từ chênh lệch tỷ giá USD/VND khiến mặt bằng lãi suất khó giảm thêm.
Nhóm chuyên gia từ VCBS cho biết, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang thấp hơn mức trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch COVID-19 là 5,05%/năm. Chuyên viên phân tích dự báo lãi suất huy động sẽ nhích nhẹ trong quý II và III từ 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, áp lực tăng có thể gia tăng trong quý IV/2024, kỳ vọng cả năm lãi suất có thể tăng từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.
Cùng quan điểm, báo cáo mới nhất của FiinRatings nhận định rằng mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng tư nhân đã chạm đáy từ tháng 4, nhưng lãi suất tại các ngân hàng quốc doanh thuộc nhóm Big4 vẫn duy trì ổn định. Dữ liệu từ báo cáo cho thấy, trong tháng 5 và tháng 6, lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của các ngân hàng tư nhân đã tăng lần lượt 19 và 17 điểm cơ bản so với tháng trước đó. Với sự giảm bớt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, các chuyên gia dự báo các ngân hàng quốc doanh sẽ tăng lãi suất huy động trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn được yêu cầu giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế. Điều này sẽ tạo áp lực cho các ngân hàng thương mại trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao như thời gian qua. Mặt khác, nợ xấu tăng và chất lượng tài sản suy giảm cũng là những yếu tố quan trọng có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong thời gian tới.